Có một số đồng nghiệp hay hỏi tôi, kiểu như “Tại sao thầy không dùng word cho khỏe, tại sao phải dùng latex cho cực. Có người còn tỏ ra khó chịu, kiểu như tôi quá màu mè, quá khác người, kiểu như người người dùng word, nhà nhà dùng word, mà tôi lại đi theo một con đường khác… Thôi thì bữa nay ngồi kể lể đôi điều về lý do tại sao tôi dùng LaTeX thay Word.
Cũng như hầu hết mọi người, từ lúc còn là học sinh phổ thông, sinh viên rồi đi dạy, tôi cũng dùng word. Hồi đó, cứ mua máy tính về là cứ như là có sẵn word trong máy; còn nếu cài lại hay nâng cấp thì ngoài tiệm cũng bán đĩa crack sẳn. Sách giáo khoa tin học hay chứng chỉ tin học văn phòng bây giờ cũng toàn dạy về word với excel, cho nên cái chuyện người người dùng word, nhà nhà dùng word cũng là điều dễ hiểu.
Một cái lợi thế hết sức thuyết phục của word nằm ở chỗ nó là một trình soạn thảo loại WYSIWYG (What you see is what you get), gỏ gì thấy nấy, rất trực quan. Từ chèn hình, bảng biểu, định dạng màu mè các kiểu, tất cả chỉ như cầm cọ vẽ tranh, quá dễ. Bà con ai có vấn đề về đồ thị, vẽ hình thì cũng có muôn vàn ứng dụng hỗ trợ, vẽ xong cắt hình bỏ vô, cực kỳ tiện lợi. Tất cả lại đều “miễn phí”.
Tuy nhiên, kể từ khi làm quen với LaTeX, tôi nhận ra đây chính là thứ mình cần. Tôi không dám khẳng định rằng LaTeX phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nếu muốn so sánh với Word thì dưới đây có mấy vấn đề để bàn.
Chi phí và bản quyền
Nên biết rằng, bộ công cụ Microsoft Office là sản phẩm thương mại của tập đoàn Microsoft, Bill Gate cũng không phải giàu lên nhờ “hóa duyên”, giá cả cho cả bộ thường rất đắc đỏ. Office Home & Student 2019 (Vĩnh viễn; cho 01 Windows/Mac) bán ở FPT Shop cũng tầm khoảng 2,4 triệu; còn Key-online Microsoft® 365 Personal (01 năm; 01 tài khoản; 05 thiết bị) cũng gần 1 triệu. Nếu quang minh chính đại xài cái này bộ này thì chi phí cho mấy chục năm công tác là không hề nhỏ.
Đối với người có nhu cầu gỏ công thức Toán thì vấn đề chi phí lại càng chua chát khi mà phí bản quyền 1 năm của Mathtype là cứng 1,8 triệu. Trong khi thực tế hiện nay thì Mathtype gần như không có đối thủ trong môi trường word, bởi vậy anh em dùng word không thể tránh khỏi phần mềm này.
Chỉ có điều, các bản crack của những phần mềm này đều tràn lan trên các website và diễn đàn ở Việt Nam, hacker Mỹ gặp dân văn phòng nước mình phải kêu bằng cụ. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn hội nhập với quốc tế, cá nhân thì thôi không chấp, chứ công ty, tổ chức hay cơ quan nhà nước mà bị kiện vì mấy phần mềm chùa này thì không hay chút nào.
Hiện nay có một giải pháp miễn phí cho vấn đề soạn thảo văn bản khá hay ho, đó là bộ phần mềm mã nguồn mở OpenOffice. Có điều, việc sử dụng phần mềm này cũng không thuận tay cho lắm, có lẽ chưa quen; nhưng vấn đề gỏ công thức Toán trên bộ office này rất nghiêm trọng, phải nói là rất khó sử dụng, khi nào có dịp thì tôi sẽ chia sẻ về vấn đề này sau. Giải pháp sau cùng cho vấn đề soạn thảo chính là LaTeX, đây cũng là một môi trường soạn thảo hoàn toàn miễn phí, đối với dân Toán – Lý – Hóa thì lại càng như cá gặp nước.
Nhập môn
So với Word thì người dùng LaTeX rất khó nhập môn, trong khi Word rất trực quan thì LaTeX chỉ toàn mã lệnh, kể cả muốn in đậm hay tô màu cũng dùng lệnh, muốn đổi font lại càng phức tạp.
Công việc đầu tiên để dùng được LaTeX là cài đặt môi trường MikTeX và phần mềm soạn thảo Texstudio (tôi đang dùng hai em này vì chúng khá nhẹ), sau đó là phải xem tối thiểu một tài liệu hướng dẫn để biết viết chương trình cho nó chạy được. Đây là những khó khăn ban đầu, hành trình sau này còn khó khăn hơn nếu như muốn làm đẹp tài liệu hay muốn soạn thảo chuyên nghiệp hơn. Nhưng mà hãy tin tôi đi, một khi hoàn thành được một sản phẩm đầu tiên, bạn sẽ thích mê cho mà xem.
Có một giải pháp đi đường tắt cho người mới bắt đầu, đó là sử dụng một mẫu có sẳn, chỉ cần nhập nội dung vào thôi. Khi đó, ngay từ sản phẩm đầu tay của bạn cũng sẽ đẹp lung linh, ai nhìn cũng phải trầm trồ, Word chỉ là tuổi tôm. Thế nhưng, nếu bạn không có ý định dùng LaTeX lâu dài, vẫn quen với sự trực quan của Word thì tôi khuyên bạn không nên dính vào LaTeX chi cho mệt, vì nếu không dùng LaTeX thường xuyên thì bạn vẫn sẽ quên các lệnh của nó, học LaTeX mà không dùng LaTeX thì học làm gì.
[yotuwp type=”playlist” id=”PLyqgnSdPFZnAXlr4K8t1yAincWsP3UUKH” ]Lùi để tiến
Trong khi những người mới nhập môn hoặc chưa biết gì về LaTeX cảm thấy nó quá phức tạp và bất tiện thì với những người sử dụng đã quen thì LaTeX là một trải nghiệm tuyệt vời.
Đầu tiên, các kiểu định dạng font chữ, chương bài, bảng biểu… đều được khai báo ở phần đầu tài liệu và không cần định dạng lại cho từng chi tiết đó nữa, cả tài liệu sẽ được đồng bộ và thống nhất một phong cách, giống như là CSS trong website vậy. Dù tài liệu có được phân chia cho hàng trăm người soạn thảo rồi ghép lại thì nó vẫn đồng bộ như vậy. Trong khi đó, tài liệu Word rất khó để làm được điều đó, nói chung soạn tới đâu thì định dạng tới đó, từ font chữ, kích cỡ, màu sắc, canh lề… đều phải làm thủ công; việc chắp ghép từ nhiều file word khác nhau rất dễ nhận ra vì sự thiếu đồng bộ này, nhiều lúc thấy rất buồn cười.
Một điều rất hay khi sử dụng LaTeX là việc soạn thảo công thức Toán rất thuận tiện và nhanh chóng. Trong môi trường Word, mỗi lần muốn chèn một công thức Toán, ta lại phải mở Mathtype, click click click… cho ra công thức. Nhiều người tưởng đó là nhanh, nhưng những người quen LaTeX còn tạo ra công thức đó nhanh hơn gấp chục lần, mọi thứ đều chỉ là mã lệnh. Thử tưởng tượng, một người vừa gỏ chữ, vừa click chuột liên hồi để chèn công thức và một người chỉ toàn gõ chữ thì ai sẽ nhanh hơn. Bởi vậy, khi nghe một đồng nghiệp bảo rằng tôi đánh LaTeX sẽ mất thời gian hơn thầy ấy đánh Word, tôi chỉ cười chứ không dám phản bác, không lẽ mời người ta thi đấu để phản chứng.
Tôi từng dùng Mathtype để soạn các tài liệu, giáo án, phiếu học tập, rất nhiều trong số đó đã bị lỗi, hầu hết là bị hóa ảnh, số khác thì bị phóng to thu nhỏ một cách tùy ý, điều này đã gây rất nhiều phiền hà cho tôi. Trong một trường hợp khác, trong một số tài liệu và phiếu học tập, tôi đã dùng những loại font chữ khác nhau, từ đó dẫn đến nhu cầu đồng bộ font và size của công thức Toán với font và size của văn bản, và việc này cũng rất lâu lắc, mất thời gian. Trong LaTeX, chỉ cần sửa fontfamily và fontsize ở phần đầu tài liệu thì toàn bộ tài liệu cũng sẽ thay đổi ngay lập tức, quá tiện lợi.
Một vấn đề nữa là việc vẽ hình. LaTeX có sẵn nhiều gói lệnh rất hữu ích cho việc soạn thảo trắc nghiệm (ex_test), vẽ bảng biến thiên (tikz-tab) và vẽ hầu hết các loại hình (tikz). Gói lệnh tikz cho phép ta vẽ đồ thị, hình không gian, mô hình vật lý, hóa học… với sản phẩm xuất ra dạng vector vô cùng sắc nét. Và vì các hình vẽ này được tạo ra từ mã lệnh nên sau này ta muốn chỉnh sửa lại cũng rất dễ dàng, việc chia sẻ cũng rất thuận tiện. Trong khi đó, các hình vẽ được chèn vào word thì không thể nào chỉnh sửa được nữa, nhiều khi phát hiện hình sai nhưng rất lười vẽ lại, muốn lấy hình đó để tạo ra một bài tập mới cũng rất bất tiện.
Tài liệu lớn
Sức mạnh của LaTeX thật sự phô diễn khi soạn thảo tài liệu lớn hàng trăm trang hay quản lý ngân hàng cả ngàn bài tập. LaTeX cho phép ghép nối nhiều file tex lại với nhau để hợp thành một tài liệu, cho nên ta có thể soạn riêng từng chương, bài ở những file khác nhau nhưng vẫn đồng bộ thành một tài liệu, xuất ra chỉ một file pdf duy nhất với dung lượng rất tí hon. Hiện nay có rất nhiều ấn phẩm được tạo ra từ sự chung tay của các nhóm LaTeX, họ chia nhau phụ trách những phần nội dung nhỏ, sau đó nộp tất cả file vào một thư mục; chỉ cần chạy một file main duy nhất là nó sẽ ghép nối tất cả các file lại thành một file pdf duy nhất, lỗi ở đâu thì mở file tương ứng ra mà sửa, rất dễ dàng. Việc này là không thể đối với word, sản phẩm của các nhóm word chắc chắn sẽ là một thư mục với rất nhiều file word riêng lẻ, muốn đóng cuốn thành một ấn phẩm sẽ rất phiền hà, gộp thành một file thì dung lượng sẽ rất lớn, dễ bị treo máy.
Hiện nay có rất nhiều phần mềm chuyên quản lý vĩ mô và trộn đề LaTeX, các phần mềm này giúp quản lý và truy xuất các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận viết bằng LaTeX một cách nhanh chóng và hiệu quả. Về điều này, tôi không dám khẳng định phía bên Word có làm được hay làm tốt hơn không, nhưng đối với tôi thì LaTeX khiến tôi rất hài lòng.
Trên đây là các chia sẻ mang tính cá nhân, không công kích, không tuyên truyền, không chính trị, quý độc giả có ý kiến trái chiều thì xin chia sẻ ở phần bình luận bên dưới, xin cảm ơn.